Quy định về thời điểm xuất hóa đơn và mức phạt xuất hoá đơn không đúng thời điểm theo Nghị định 70
Từ ngày 1/6/2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, sửa đổi nhiều nội dung quan trọng của Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Một trong những điểm đáng chú ý là quy định lại thời điểm lập hóa đơn trong từng trường hợp cụ thể, kèm theo mức phạt nghiêm khắc nếu xuất hóa đơn không đúng thời điểm. Bài viết sau sẽ giúp anh/chị nắm rõ quy định mới nhất và tránh các rủi ro khi thực hiện xuất hóa đơn.
Hiệu lực thi hành?
Tại Điều 3 Nghị định 70/2025/NĐ-CP có quy định về hiệu lực thi hành như sau:
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2025.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các khoản 3, khoản 6, khoản 7, khoản 11, khoản 18, khoản 37 và khoản 38 Điều 1 Nghị định này và các trường hợp khác theo yêu cầu quản lý.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
=>> Như vậy, Nghị định 70 2025 NĐ CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2025.
Quy định thời điểm lập hóa đơn mới nhất theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP
(1) Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán hàng hóa
Bao gồm cả các trường hợp như bán hàng thông thường, chuyển nhượng tài sản công hoặc tiêu thụ hàng dự trữ quốc gia, thời điểm xuất hóa đơn sẽ là lúc người bán hoàn tất việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho bên mua. Việc lập hóa đơn không phụ thuộc vào việc người bán đã nhận được tiền hay chưa.
Riêng đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa (kể cả hàng gia công để xuất khẩu), thời điểm lập hóa đơn điện tử (có thể là hóa đơn thương mại, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử) do người bán lựa chọn, nhưng tối đa không được chậm quá ngày làm việc kế tiếp sau ngày hàng hóa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan theo quy định pháp luật.
(2) Thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ cung cấp
Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ, thời điểm phải xuất hóa đơn là khi dịch vụ đã được hoàn tất, bất kể khách hàng đã thanh toán hay chưa. Quy định này áp dụng cho cả trường hợp cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình thực hiện dịch vụ, người bán có nhận tiền trước hoặc trong khi cung cấp, thì hóa đơn phải được lập ngay tại thời điểm thu tiền. Lưu ý, quy định này không áp dụng đối với các khoản đặt cọc hoặc tạm ứng dùng để đảm bảo thực hiện các hợp đồng cung cấp dịch vụ chuyên môn như: kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế và tài chính, thẩm định giá, khảo sát – thiết kế kỹ thuật, tư vấn giám sát, hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
(3) Trường hợp giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ theo từng lần, từng phần
Trong tình huống doanh nghiệp thực hiện việc giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao dịch vụ theo từng hạng mục, từng công đoạn, thì mỗi lần hoàn thành việc giao hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn tương ứng với khối lượng, giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ đã thực hiện ở thời điểm đó.
Nói cách khác, không được dồn lại để lập hóa đơn sau cùng, mà phải xuất hóa đơn kịp thời theo từng đợt hoàn thành – dù là một phần trong tổng hợp đồng.
(4) Thời điểm xuất hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với các trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với số lượng lớn, phát sinh thường xuyên, cần có thời gian đối soát số liệu giữa doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và khách hàng, đối tác gồm:
+ Trường hợp cung cấp dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, cung ứng nhiên liệu hàng không cho các hãng hàng không, hoạt động cung cấp điện (trừ đối tượng quy định tại điểm h khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP), cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, nước, dịch vụ truyền hình, dịch vụ quảng cáo truyền hình, dịch vụ thương mại điện tử, dịch vụ bưu chính và chuyển phát (bao gồm cả dịch vụ đại lý, dịch vụ thu hộ, chi hộ), dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng)
+ Dịch vụ logistic, dịch vụ công nghệ thông tin (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) được bán theo kỳ nhất định, dịch vụ ngân hàng (trừ hoạt động cho vay), chuyển tiền quốc tế, dịch vụ chứng khoán, xổ số điện toán, thu phí sử dụng đường bộ giữa nhà đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ thu phí và các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính
Thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 07 của tháng sau tháng phát sinh việc cung cấp dịch vụ hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với người mua.
- Đối với dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin có kết nối giữa nhiều nhà cung cấp trong các trường hợp kinh doanh dịch vụ viễn thông (bao gồm cả dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng) hoặc công nghệ thông tin – đặc biệt là các dịch vụ trung gian thanh toán hoạt động trên nền tảng mạng viễn thông và CNTT – thường cần thực hiện kết nối và đối soát dữ liệu giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ.
Khi đó, thời điểm lập hóa đơn sẽ là thời điểm hai bên hoàn tất quá trình đối soát dữ liệu cước dịch vụ theo hợp đồng kinh tế đã ký kết. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn cần đảm bảo không chậm hơn 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối.
- Đối với dịch vụ viễn thông trả trước hoặc không có thông tin người mua
Trong thực tế, nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông thông qua hình thức bán thẻ trả trước, thu phí hòa mạng… nhưng không yêu cầu lấy hóa đơn, hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin (tên, địa chỉ, mã số thuế) cho nhà cung cấp dịch vụ.
Trường hợp này, doanh nghiệp được phép lập chung một hóa đơn GTGT định kỳ (có thể theo ngày hoặc theo kỳ trong tháng) để ghi nhận tổng doanh thu phát sinh từ các giao dịch không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp thông tin đầy đủ. Trên hóa đơn cần thể hiện rõ doanh thu theo từng loại dịch vụ tương ứng.
- Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng:
+ Trường hợp chưa chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì thời điểm lập hóa đơn là ngày thu tiền hoặc theo thỏa thuận thanh toán trong hợp đồng.
+ Trường hợp đã chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng: Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp tổ chức kinh doanh mua dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử
được lập theo thông lệ quốc tế chậm nhất không quá 05 ngày kế tiếp kể từ ngày chứng từ dich vụ vận tải hàng không xuất ra trên hệ thống website và hệ thống thương mại điện tử.
- Đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò, khai thác và chế biến dầu thô:
Thời điểm lập hóa đơn bán dầu thô, condensate, các sản phẩm được chế biến từ dầu thô (bao gồm cả hoạt động bao tiêu sản phẩm theo cam kết của Chính phủ) là thời điểm bên mua và bên bán xác định được giá bán chính thức, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được chuyển bằng đường ống dẫn khi đến người mua
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm bên mua, bên bản xác định khối lượng khí giao của tháng nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế.
Trường hợp thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ có quy định khác về thời điểm lập hóa đơn thì thực hiện theo quy định tại thỏa thuận bảo lãnh và cam kết của Chính phủ.
- Đối với hoạt động bán điện của các công ty phát điện trên thị trường điện:
Thời điểm lập hóa đơn điện tử được xác định căn cứ thời điểm về đối soát số liệu thanh toán giữa đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đơn vị phát điện và đơn vị mua điện theo quy định của Bộ Công Thương hoặc hợp đồng mua bán điện đã được Bộ Công Thương hướng dẫn, phê duyệt nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai, nộp thuế đối với tháng phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật về thuế. Riêng hoạt động bán điện của các công ty phát điện có cam kết bảo lãnh của Chính phủ về thời điểm thanh toán thì thời điểm lập hóa đơn điện tử căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ, hướng dẫn và phê duyệt của Bộ Công Thương và các hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa bên mua điện và bên bán điện.
- Thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng: là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.
Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
- Đối với trường hợp cung cấp dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ bảo hiểm qua đại lý, thời điểm lập hóa đơn: là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng chậm nhất không quá ngày 10 của tháng sau tháng phát sinh.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động cho vay được xác định theo kỳ hạn thu lãi tại hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và khách hàng đi vay, trừ trường hợp đến kỳ hạn thu lãi không thu được và tổ chức tín dụng theo dõi ngoại bảng theo quy định pháp luật về tín dụng thì:
Thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu được tiến lãi vay của khách hàng. Trường hợp trả lãi trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn.
Đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế của tổ chức tín dụng, thời điểm lập hóa đơn là thời điểm đổi ngoại tệ, thời điểm hoàn thành dịch vụ nhận và chỉ trả ngoại tệ.
- Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền theo quy định của pháp luật: tại thời điểm kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện lập hóa đơn điện tử cho khách hàng đồng thời chuyển dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo quy định.
- Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh và quản lý viện phí: từng giao dịch khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ chụp, chiếu, xét nghiệm có in phiếu thu tiền (thu viện phí hoặc tiền khám, xét nghiệm) và có lưu trên hệ thống công nghệ thông tin, nếu khách hàng (người đến khám, chữa bệnh) không có nhu cầu lấy hóa đơn thì cuối ngày cơ sở khám bệnh, chữa bệnh căn cứ thông tin khám, chữa bệnh và thông tin từ phiếu thu tiền để tổng hợp lập hóa đơn điện tử cho các dịch vụ y tế thực hiện trong ngày, trường hợp khách hàng yêu cầu lập hóa đơn điện tử thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập hóa đơn điện tử giao cho khách hàng.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập hóa đơn cho cơ quan bảo hiểm xã hội tại thời điểm được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế.
- Đối với hoạt động thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng ngày lập hóa đơn điện tử: là ngày xe lưu thông qua trạm thu phí. Trường hợp khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng có một hoặc nhiều phương tiện cùng sử dụng dịch vụ nhiều lần trong tháng, đơn vị cung cấp dịch vụ có thể lập hóa đơn điện tử theo định kỳ, ngày lập hóa đơn điện tử chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng phát sinh dịch vụ thu phí. Nội dung hóa đơn liệt kê chi tiết từng lượt xe lưu thông qua các trạm thu phí (bao gồm: thời gian xe qua trạm, giá phí sử dụng đường bộ của từng lượt xe).
- Thời điểm lập hóa đơn của hoạt động kinh doanh bảo hiểm: là thời điểm ghi nhận doanh thu bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
- Đối với hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống, xổ số biết kết quả ngay (vé xổ số) theo hình thức bán vé số in sẵn đủ mệnh giá cho khách hàng thì: sau khi thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết và chậm nhất là trước khi mở thưởng của kỳ tiếp theo, doanh nghiệp kinh doanh xổ số lập 01 hóa đơn giá trị gia tăng điện tử có mã của cơ quan thuế cho từng đại lý là tổ chức, cá nhân cho vé xổ số được bán trong kỳ gửi cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn.
- Đối với hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng,
Thời điểm lập hóa đơn điện tử chậm nhất là 01 ngày kể từ thời điểm kết thúc ngày xác định doanh thu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng chuyển dữ liệu ghi nhận số tiền thu được (do đổi đồng tiền quy ước cho người chơi tại quầy, tại bàn chơi và số tiền thu tại máy trò chơi điện tử có thưởng) trừ đi số tiền đổi trả cho người chơi (do người chơi trúng thưởng hoặc người chơi không sử dụng hết) theo Mẫu 01/TH-DT đến cơ quan thuế cùng thời điểm chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử.
Ngày xác định doanh thu là khoảng thời gian từ 0 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút cùng ngày.
Mức phạt đối với hành vi xuất hoá đơn không đúng thời điểm
Theo đó, hành vi xuất hóa đơn sai thời điểm trong năm 2025 có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm, cụ thể:
- Phạt cảnh cáo: Lập hóa đơn sai thời điểm nhưng không gây chậm trễ trong nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không gây ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế (trừ trường hợp thuộc diện phạt cảnh cáo).
- Phạt tiền từ 4.000.000 - 8.000.000 đồng: đối với việc lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc lập hóa đơn theo đúng quy định nếu người mua yêu cầu (áp dụng với trường hợp lập sai loại hóa đơn hoặc không lập hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ).
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi xuất hóa đơn sai là mức phạt của tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền bằng một nửa tổ chức. (Căn cứ theo khoản 5 Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP và khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Đại lý thuế TASCO tự hào là một tổ chức được sáng lập và dẫn dắt bởi những CEO có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Kế toán - Thuế - Tài chính tại các công ty đa quốc gia cùng với đội ngũ chuyên viên có trình độ chuyên môn cao, luôn cập nhật kiến thức thường xuyên và làm việc với phương châm "TẬN TÂM - TRÁCH NHIỆM - CHUYÊN NGHIỆP" đảm bảo cung cấp cho quý doanh nhân các dịch vụ thành lập doanh nghiệp, dịch vụ kế toán thuế, tư vấn thuế uy tín và chuyên nghiệp nhất. Bên cạnh đó, TASCO luôn đặt lợi ích của quý doanh nhân lên trên hết. Hơn ai hết, TASCO thấu hiểu khách hàng khi mới ra kinh doanh phải đầu tư khá nhiều chi phí. Vì vậy TASCO luôn hỗ trợ khách hàng giảm tối đa chi phí để vận hành doanh nghiệp bền vững.
⇒ Đăng ký tại đây để được TASCO tư vấn sớm nhất hoặc liên hệ hotline: 0975480868 (Zalo)
Quý doanh nhân có thể tham khảo thêm một số dịch vụ khác mà TASCO cung cấp:
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp
CÔNG TY TNHH DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ TASCO
Trụ sở: 39 đường N8 Jamona City Đào Trí Q7 Hồ Chí Minh.
Chi nhánh Bình Thuận: 728 Trần Hưng Đạo, Phường Đức Long, Thành Phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.
Chi nhánh Đà Nẵng: K64H92/5/2/49 Trần Đình Tri, Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng
Hotline: 0975.48.08.68 (Zalo) – 085.486.2446
Email: lienhe@dailythuetasco.com
Website: https://dailythuetasco.com/; https://dichvutuvandoanhnghiep.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/DAILYTHUETASCO
Instagram: https://www.instagram.com/tv/CjA36vio0ol/?igshid=YmMyMTA2M2Y=
Cộng đồng Zalo: https://zalo
TRAO NIỀM TIN - NHẬN GIÁ TRỊ
Xem thêm