Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19
Ngày 01/07/2021, Thủ tướng chính phủ đã ký Nghị quyết 68/2021/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid 19. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo 4 nguyên tắc và mục tiêu của nghị quyết là góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống an toàn cho người lao động và người sử dụng lao động. Chi tiết về chính sách này, kính mời quý khách hàng tham khảo trong bài viết dưới đây.
Đại lý thuế TASCO sẽ điểm qua một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị quyết số 68/2021/NQ-CP
- Quyết định 23/2021/QĐ-TTg
- Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Nguyên tắc thực hiện Nghị quyết:
1. Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách
2. Xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.
3. Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ 1 lần bằng tiền (trừ các đối tượng được hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
4. Phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
(Ảnh minh họa. Nguồn: Đại lý thuế TASCO)
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (người sử dụng lao động) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 được quy định như sau:
1. Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:
Quy định tại Điều 1 Chương II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP
- Đối tượng áp dụng: Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, trừ cán bộ, công chức, viên chức... được quy định cụ thể tại Điều 1 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
- Mức đóng: Bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
- Thời gian áp dụng: 12 tháng (từ 01/07/2021 đến hết 30/06/2021).
* Lưu ý:
- Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định như trên được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch COVID-19
2. Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
Quy định tại Điều 2 Chương II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP:
- Đối tượng áp dụng: Người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội
Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;
d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.
3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.
- Điều kiện hỗ trợ, cụ thể:
Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết 04/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dẫn đến phải giảm từ 15% số lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị so với tháng 4 năm 2021. Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội tính giảm bao gồm:
- Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật trừ đi số lao động mới giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 01/05/2021 đến ngày người sử dụng lao động có văn bản đề nghị;
- Số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động mà thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
- Số lao động đang nghỉ việc không hưởng lương mà thời gian nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng;
- Số lao động đang ngừng việc mà thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng.
* Lưu ý: Số lao động được tính giảm như trên bao gồm người làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn hay xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương; không bao gồm người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu từ 01/05/2021.
- Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất là 6 tháng (tính từ tháng người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị) được áp dụng với người lao động và người sử dụng lao động đủ điều kiện nêu trên. Đối với các trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết 42 hay Nghị quyết 154 do Chính phủ ban hành, nếu đủ điều kiện và được giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định tại Quyết định này thì tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.
- Đóng bù vào quỹ hưu trí và tử tuất sau khi hết thời gian tạm dừng được quy định tại Điều 7 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
3. Chính sách hỗ trợ kinh doanh:
Quy định tại Điều 10 Chương II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP:
Hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.
4. Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất:
Quy định tại Điều 11 Chương II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP:
Vay vốn để trả lương ngừng việc:
Điều kiện vay vốn:
-
Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ Luật Lao động trong thời gian từ ngày 01/05/2021 đến hết ngày 31/03/2022.
-
Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Mức cho vay: Tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất:
Điều kiện vay vốn:
Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước để chống dịch từ 01/05/2021 đến hết 31/03/2022 như sau:
- Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch từ 01/05/2021 đến hết 31/03/2022;
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn;
- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh;
- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh:
- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn;
- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh;
- Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
Mức cho vay: Tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động, thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 03 tháng. Thời hạn cho vay: dưới 12 tháng.
* Lưu ý: Việc giải ngân của Ngân hàng chính sách xã hội cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5,6,7 năm 2021 được thực hiện 01 lần; thời hạn giải ngân đến hết ngày 05/04/2022 hoặc khi giải ngân hết 7.500 tỷ đồng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay tái cấp vốn tùy theo điều kiện nào đến đến trước.
♦ Chính sách hỗ trợ người lao động trong giai đoạn dịch Covid 19
♦ Công văn số 6770 - không xử phạt vi phạm hành chính do chậm nộp hồ sơ khai thuế
Nếu quý khách hàng có bất kì vướng mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ đến Đại lý thuế TASCO, chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn miễn phí 24/7!
Chúc quý khách hàng thành công trong kinh doanh!
Tasco - Đại lý thuế chịu trách nhiệm cao nhất mọi dịch vụ
Tasco - Trao niềm tin - Nhận giá trị
Hãy liên hệ với TASCO để được tư vấn miễn phí:
Hotline: 0854862446 - 0975480868 (zalo)
Website: dailythuetasco.com hoặc dichvutuvandoanhnghiep.vn
Xem thêm